Hướng tiếp cận Reggio Emilia là một cách tiếp cận mang tính đổi mới trong giáo dục mầm non dựa trên cơ sở tôn trọng trẻ em và công nhận rằng trẻ em từ khi sinh ra đã có đầy đủ năng lực và khả năng mạnh mẽ vốn có, đầy sự tò mò và hiểu biết. Triết lý giáo dục này được xây dựng dựa trên năng lực bẩm sinh của trẻ, với mục đích giúp trẻ tự cảm nhận thế giới và vị trí, vai trò của trẻ trong thế giới đó. Triết lý được phát triển bởi nhà giáo dục và cố vấn sư phạm (pedagogista) người Ý Loris Malaguzzi (1920-1994) tại thành phố Reggio Emilia, miền Bắc nước Ý trong bối cảnh hậu Chiến tranh thế giới thứ II. Hướng tiếp cận này sử dụng các phương pháp học tập tự tìm tòi với niềm tin mãnh liệt rằng trẻ em chính là những công dân có năng lực tự học thông qua sự tò mò, khả năng tìm hiểu, khám phá, và giáo viên là người đồng hành, cùng học với trẻ trong quá trình tự học đó.

Sau khi Loris Malaguzzi qua đời năm 1994, để đáp ứng nhu cầu trao đổi của các tổ chức giáo dục từ khắp nơi trên thế giới, tổ chức Reggio Children được thành lập dựa trên ý tưởng của Loris Malaguzzi với sự hỗ trợ của cộng đồng địa phương. Từ đó hướng tiếp cận nhanh chóng phát triển ở hơn 140 quốc gia trong đó có Việt Nam vì những giá trị nhân văn và đổi mới của nó. Tại Việt Nam, Global Embassy (“Global Embassy” link to GE’s website) là đại diện chính thức của Reggio Children.

Một số giá trị tiêu biểu trong hướng tiếp cận Reggio Emilia:

– Hình ảnh của đứa trẻ: Mọi trẻ em đều có năng lực, sự tò mò; các em quan tâm đến những mối quan hệ xung quanh mình, có thể kiến tạo tri thức cho mình, và tương tác với môi trường xung quanh.

– Mối quan hệ và sự tương tác của trẻ em: Giáo dục phải tập trung vào mỗi đứa trẻ, không phải theo kiểu từng cá thể riêng lẻ, mà là trong mối quan hệ với gia đình, với trẻ em khác, với giáo viên, với môi trường sống, với cộng đồng và với xã hội rộng lớn hơn.

– Vai trò của phụ huynh: Phụ huynh là một phần cực kỳ quan trọng của mọi chương trình giáo dục. Phụ huynh là đối tác tích cực, có năng lực trong quá trình học hỏi của trẻ.

– Vai trò của không gian: Môi trường ở trường học mang đến nhiều thông điệp. Không gian vật chất tại trường phải tạo điều kiện cho những cuộc gặp gỡ, đối thoại, giao tiếp và các mối quan hệ.

– Giáo viên và Trẻ em là Bạn cùng học: Giáo viên không phải là người chỉ trông giữ trẻ, dạy trẻ những kỹ năng cơ bản, mà còn là người cùng học với trẻ.

– Giáo trình học tập linh hoạt: Giáo viên thiết lập môi trường kích thích trẻ tìm tòi, mời gọi trẻ tham gia và khám phá. Giáo viên đặt câu hỏi, lắng nghe, quan sát và tổng hợp những phản hồi của trẻ để tạo nên những trải nghiệm học tập phù hợp, không tuyến tính mà theo một chu trình xoắn ốc, xây dựng kiến thức, kỹ năng mới từ những hiểu biết đã có.

– Sức mạnh của Tư liệu sư phạm (documentation): Những ghi nhận về sự chú ý và những thảo luận của trẻ, hình ảnh các em phản ánh quá trình tư duy và học hỏi của trẻ. Tư liệu sư phạm giúp giáo viên hiểu trẻ và thấy rõ hơn thành quả công việc của mình, giúp phụ huynh biết được trải nghiệm của trẻ ở trường và dễ dàng tham gia hơn với nhà trường, đồng thời giúp trẻ em nhận ra mình có giá trị, mình được tôn trọng.

– Hàng trăm ngôn ngữ của trẻ em: Xưởng nghệ thuật (atelier) và Cố vấn nghệ thuật (Atelierista) tạo điều kiện cho trẻ em sử dụng nhiều vật liệu, phương tiện khác nhau để thể hiện những suy nghĩ, tình cảm của mình, cất lên tiếng nói của các em.

– Dự án: Các dự án ở trường giúp cho học sinh và giáo viên bày tỏ góc nhìn và hiểu biết của mình trong quá trình cùng nhau học tập. Học tập phải luôn đi đôi với Thực hành.

(Dịch từ ““Values and Principles of the Reggio Emilia Approach” bởi TS. Lella Gandini, nhà giáo dục, “sứ giả” của Reggio Children tại Hoa Kỳ)